Nguyễn Trãi

Ký Hữu




Loạn hậu thân bằng lạc diệp không
Thiên biên thư tín đoạn thu hồng
Cố viên quy mộng tam canh vũ
Lữ xá ngâm hoài tứ bích cùng*
Đỗ lão (1) hà tằng vong Vị Bắc (2)
Quản Ninh (3) do tự khách Liêu Đông
Việt Trung (4) cố cựu như tương vấn
Vị đạo sinh nhai tự chuyển bồng.


Dịch nghĩa:

Sau loạn lạc bà con bạn bè thưa thớt như lá rụng - Bên trời vắng bóng chim hồng mùa thu đưa thư - Suốt ba canh mưa ta mộng về vườn cũ - Ngâm thơ trong quán khách, tiếng dế rộn bốn phía tường - Đỗ lão có bao giờ quên bờ bắc sông Vị? - Quản Ninh còn tự mình làm trú khách Liêu Đông - Giá có ai ở đất Việt Trung xưa hỏi thăm - Xin hãy nói lý do sự sống đổi dời mãi như cỏ bồng.


Dịch thơ:

Gửi Bạn

Sau loạn bà con bè bạn hiếm
Bên trời bóng nhạn mãi chờ trông
Đêm mưa trong mộng khu vườn hiện
Quán khách ngâm đề, dế họa ngân
Đỗ lão bao giờ quên bến Vị?
Quản Ninh còn mãi trú Liêu Đông
Ai người cũ hỏi bên trời Việt
Xin bảo đời ta tựa cỏ bồng.


Chú thích:

* Nguyễn Trãi Toàn Tập ghi là tứ bích trùng.

(1) Đỗ lão (hay lão Đỗ): đại thi hào Đỗ Phủ đời Đường, đồng thời với Lý Bạch. Được mệnh danh Lão Đỗ để phân biệt với nhà thơ trứ danh Đỗ Mục (gọi là Tiểu Đỗ vì trẻ hơn).

(2) Vị Bắc: bờ bắc sông Vị. Sông này phát nguyên từ núi Điểu Thử, huyện Vị Nguyên, tỉnh Cam Túc, chảy qua tỉnh Thiểm Tây rồi đổ vào sông Hoàng Hà. Tác giả ngụ ý tình bạn giữa Đỗ Phủ và Lý Bạch, dựa theo hai câu thơ sau đây của Đỗ trong bài Xuân Nhật Hoài Lý Bạch:

Vị Bắc xuân thiên thụ
Giang Nam nhật mộ vân
(Cây cảnh trời xuân bờ Vị Bắc
Ánh mây chiều muộn đất Giang Nam).

Ý nói có thần giao cách cảm, Đỗ nhìn bờ Vị Bắc nhớ Lý, hẳn Lý cũng nhìn mây đất Giang Nam mà nhớ Đỗ.

(3) Quản Ninh: tác giả đề cập khí phách của Quản Ninh, dân đất Ngụy thời Tam Quốc. Thiếu thời, đang cùng ngồi học chung chiếu với bạn là Hoa Hâm, bỗng một hôm Hoa Hâm bỏ chạy ra đường nhìn xem kẻ giàu sang cưỡi ngựa đi qua nên Quản Ninh cắt đôi chiếc chiếu, không chịu ngồi chung nữa. Cuối đời Hán, Quản Ninh tỵ loạn 37 năm ở Liêu Đông, từ chối mọi chức do hai vua Văn Đế và Minh Đế ban cho ông.

(4) Việt Trung kinh đô nước Việt ngày xưa thuộc tỉnh Triết Giang (Trung Quốc), sau bị nhà Hán thôn tính. Tác giả ngụ ý nhắc đến quê hương Việt Nam lúc bấy giờ khi đang ở nước ngoài (?)

Được bạn: diên vỹ sưu tầm / đưa lên
vào ngày: 3 tháng 2 năm 2013

Bình luận về Bài thơ "Ký Hữu"